Tương lai của các trang trại nuôi tôm bền vững nhỏ lẻ tại Honduras trong cơn khủng hoảng giá tôm (29-11-2024)

Cuộc khủng hoảng giá thủy sản đang diễn ra có nguy cơ đe dọa sự tồn tại của các hộ nuôi tôm độc lập đạt chứng nhận bền vững tại Honduras, trừ khi các nhà bán lẻ sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho các sản phẩm đến từ các hộ nuôi tôm độc lập này. Nếu cuộc khủng hoảng tiếp tục kéo dài mà không có một giải pháp thích hợp, các trang trại nuôi tôm đạt chứng nhận do các hộ gia đình sở hữu tại đây có thể sẽ phải đếm ngược thời gian hoạt động kể từ bây giờ.
Tương lai của các trang trại nuôi tôm bền vững nhỏ lẻ tại Honduras trong cơn khủng hoảng giá tôm
Ảnh minh họa

Trong khi khó khăn bủa vây những người nuôi tôm trên khắp thế giới thì việc duy trì hoạt động ở Honduras càng trở nên đặc biệt khó khăn, bởi chi phí thức ăn, năng lượng và nhân công ở đây đều cao hơn nhiều so với các quốc gia sản xuất tôm khác. Giá tôm toàn cầu hiện nay đang ở mức không hợp lý, khiến biên độ lợi nhuận của những hộ nuôi đơn lẻ ngày càng thấp. Và khó khăn dồn lên các doanh nghiệp nhỏ đã nỗ lực để đạt được các chứng nhận bền vững càng trở nên nặng nề. Để có thể đạt được các chứng nhận bền vững, các trang trại hay hộ nuôi đều phải đầu tư chi phí rất lớn, song thị trường lại không muốn chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm tôm đạt chứng nhận như ASC, BAP hay các sản phẩm tuân thủ phúc lợi động vật…

Mặc dù những năm tháng hoàng kim của sản phẩm tôm đạt chứng nhận đã trôi qua từ hai thập kỷ trước, giá tôm đã ngày càng dễ tiếp cận hơn với phần đông thị trường, song người tiêu dùng cũng cần có những thay đổi trong nhận thức đối với các sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe hơn về tính bền vững và phúc lợi. Các hộ nuôi và trang trại đã rất nỗ lực để áp dụng các biện pháp đảm bảo cung cấp các sản phẩm tôm chất lượng ra thị trường, thì ngược lại, họ cũng xứng đáng đạt được một mức giá tương xứng. Người tiêu dùng cũng cần có động thái hỗ trợ cho những nỗ lực của người nông dân.

Theo Jessica Rivera Rodriguez, giám đốc bán hàng tại MER Seafood, một trong những công ty tôm tư nhân lớn nhất Honduras, nếu giá bán tôm trên thị trường không thay đổi, những người nông dân vừa và nhỏ sẽ bị các công ty lớn thâu tóm. Đặc biệt, vấn đề càng trở nên trầm trọng hơn khi sản lượng tôm của các quốc gia đối thủ như Ecuador tăng mạnh. Sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp nuôi tôm tại các quốc gia này đã có tác động mạnh tới tương lai của những hộ nuôi độc lập tại Honduras.

Câu chuyện của Rivera càng khiến vấn đề hợp nhất và sáp nhập của các doanh nghiệp nuôi tôm vừa và nhỏ trở nên đáng báo động hơn vì công ty của cô không phải là hình ảnh của các nạn nhân thường thấy trong các cuộc hợp nhất và sáp nhập. Doanh nghiệp này hiện đang sở hữu diện tích nuôi tôm lên đến 400 ha và cung cấp 1.900 tấn tôm vào năm ngoái. Họ cũng sử dụng khoảng 150 nhân công lao động và không chỉ tạo việc làm cho cộng đồng mà còn góp phần giúp đỡ về sức khỏe và phúc lợi cho họ, cũng như hợp tác với các tổ chức phi chính phủ.

Do không có nhiều đất để mở rộng sản xuất và chi phí tốn kém, các doanh nghiệp hộ gia đình và cá thể như của Rivera không thể phát triển nuôi thâm canh mà chỉ tập trung vào mô hình bán thâm canh chậm nhưng chắc mà họ đang triển khai. Xu thế này cũng rất phù hợp với người nuôi tôm quy mô nhỏ tại Honduras.

Sau khi chính phủ Honduras và Đài Loan xảy ra căng thẳng vào năm 2023 dẫn đến việc hiệp định thương mại tự do giữa hai nước bị chấm dứt, Rivera đã phải xem xét lại chiến lược phát triển của mình bằng cách chuyển sang các thị trường ở Mexico, Vương quốc Anh, Pháp và Trung Quốc. Tuy nhiên, căng thẳng với Đài Loan đã khiến nhiều công ty tôm của Honduras phá sản, bao gồm cả các doanh nghiệp chế biến, đóng gói cũng như các trang trại nuôi quy mô nhỏ. Cũng từ đó, đã xuất hiện tình trạng các mua bán và sáp nhập khi các công ty lớn thâm tóm và mua lại những trang trại nhỏ hơn. Hơn nữa, mặc dù các công ty còn tồn tại đã cố gắng tìm kiếm các thị trường mới, song đó vẫn là quá trình cần rất nhiều thời gian và nỗ lực của cả hai bên. Vấn đề không chỉ là giá cả, thị trường mà còn là các dịch vụ xuất khẩu và kho vận, thủ tục giấy tờ. Trên thực tế, những người nông dân không thể can thiệp được vào các vấn đề chính trị giữa các quốc gia.

Không chỉ chứng kiến sự sụp đổ của nhiều doanh nghiệp và người nuôi tôm, cuộc khủng hoảng còn dẫn đến ​​sự cạn kiệt nguồn nhân lực rất lớn về nhân lực, khi ngày càng nhiều người Honduras có trình độ cố gắng di cư đến các quốc gia như Hoa Kỳ do bị các băng đảng và tổ chức tội phạm ép buộc phải ra nước ngoài hoặc bị thu hút bởi sự hấp dẫn của một cuộc sống tốt đẹp hơn, giống như trường hợp của những nhân viên tài năng nhất của Rivera, họ rời đi để tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp hơn ở nước ngoài. Điều này càng thôi thúc hơn nữa Rivera nỗ lực để tạo ra một ngành công nghiệp nuôi tôm bền vững và lâu dài ở Honduras.

Mặc dù lo ngại về sự ổn định của rất nhiều trang trại nuôi tôm của Honduras, trong đó có cả trang trại của mình, Rivera vẫn tin rằng nhu cầu đối với sản phẩm tôm trên toàn thế giới sẽ ngày càng tăng cao bởi tôm là một sản phẩm cung cấp protein ngon và tốt cho sức khỏe. Để tiếp tục tồn tại và phát triển, Rivera sẽ phải tìm kiếm ngày càng nhiều các thị trường ngách để đảm bảo doanh nghiệp của mình có thể điều chỉnh sản lượng thu hoạch và chất lượng tôm tương ứng với người mua phù hợp nhất, trong đó Hoa Kỳ cũng là một đích đến được hướng tới.

Hương Trà (theo thefishsite)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác